Ngo Minh Hung

Viet A+ Beyond Vietnam Architecture

MÔ HÌNH QUẢN LÝ KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG PHỐ CỔ HÀ NỘI

(Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng, năm 2004)

I.  Khái quát chung

Nâng cao môi trường đô thị là một mục đích quan trọng đối với hầu hết các nước đang phát triển. Hà nội là một trong các thành phố với nhiều di sản văn hoá phản ánh nghìn năm lịch sử. Khu phố cổ – cái nôi của thành phố Hà nội ngày nay, nơi gìn giữ kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc hoà quện với kiến trúc cổ điển Pháp và duy trì văn hoá- nghệ thuật ứng xử thể hiện qua con người Hà nội, đã và đang thực hiện vai trò quan trọng với các hoạt động kinh tế, thương mại đồng thời còn là trung tâm du lịch.

Từ khi chính sách đổi mới (Open policy) thực hiện, quá trình đô thị hoá ngày càng trở nên phát triển mạnh mẽ, là nguyên nhân chính cho sự biến đổi môi trường. Mặt khác, hệ thống thể chế chưa bắt kịp tiến trình đô thị hoá nên phần nào ảnh hưởng đến hệ thống kiến trúc cảnh quan chung của phố cổ và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống đô thị (Quality of life- QOL). Thời kỳ CNH-HĐH đất nước thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội càng nhanh, cuộc sống dần được cải thiện thì công tác quản lý càng phải được chú trọng hơn nhằm nâng cao chất lượng môi trường phố cổ.

II. Khái niệm cơ bản

Môi trường phố cổ là mối quan hệ giữa các cá thể, nhóm dân cư, cộng đồng với cảnh quan xung quanh. Và môi trường kiến trúc cảnh quan là kết quả của sự giao thoa giữa xã hội loài người với thiên nhiên. Ngày nay, tiêu chí về chất lượng môi trường được coi là sự thể hiện mối quan hệ giữa hai yếu tố cơ bản: i) Cấu trúc đô thị và ii) Không gian cảnh quan. (Eckbo, 1964). Song câu hỏi đặt ra: Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan là gì? Theo Michale Mattingly (1995), đây là vấn đề trách nhiệm đối với mọi hành động để thực hiện mục đích liên quan tới bảo vệ không gian kiến trúc cảnh quan. Song song, quản lý đô thị là sự quản lý các nguồn lực, kế thừa và phát triển cái có sẵn cho cuộc sống đô thị.

III. Không gian kiến trúc cảnh quan và vấn đề tồn tại

Khu phố cổ nằm trong ranh giới quản lý hành chính của quận Hoàn Kiếm, diện tích khoảng 100ha thuộc 10 phường với tổng số dân lên tới 171.000 người (1998) và mật độ trên 32.000 ngưòi / km2, trong đó có nơi tập trung trên 1200 ngưòi/ ha với diện tích ở 3 m2/ người. Hoạt động buôn bán, kinh doanh và nhu cầu cuộc sống đã lấn át phần lớn các không gian xanh còn lại của phố cổ bởi nó gây cản trở ít nhiều việc buôn bán và kiến trúc dần biến dạng. Trong khi, giá đất càng có giá trị thậm chí cao hơn một số thành phố lớn ở Châu Âu sau những cơn “sốt..??” gần đây.

Quanh phố cổ hiện còn tồn tại một số không gian xanh giữa quần thể kiến trúc pha tạp lộn xộn với diện tích- mật độ rất thấp. So với nhiều nơi thì ở đây chỉ còn một lượng nhỏ cây xanh được trồng 2 bên hè trật hẹp chỉ đủ làm nơi để xe gia đình (có 142 cây to/ 7000 người phường Hàng Bông). Phần lớn các cảnh quan sân vườn trong ngôi nhà ống truyền thống đều bị lấn chiếm và phá vỡ cấu trúc truyền thống sinh hoạt cộng đồng, lối sống văn hoá cũng như làm hư hại hệ thống cơ sở hạ tầng (cấp-thoát nước,VSMT, thu gom rác thải…).

Ý nghĩa của không gian kiến trúc cảnh quan vô cùng quan trọng bởi giá trị của nó đáp ứng cho việc nghỉ ngơi, làm sạch không khí, điều hoà vi khí hậu, giảm tiếng ồn – làm cho tâm hồn con người luôn đựơc thư giãn, tạo cảnh quan cho con người (Grandjean and Gilgen,1976) và là bộ mặt phản ánh rõ nét quá trình phát triển trải qua từng thời kỳ của đô thị.

Thực tế cho thấy không gian kiến trúc cảnh quan trong 1) các ngôi nhà ống; 2) khu vực phố cổ dần biến mất dưới hình thức này hay hình thức khác. Vì vậy những không gian này cần phải được bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị nhằm cải thiện môi trường phố cổ, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần phát triển kinh tế- xã hội cũng như thu hút du lịch trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Không gian kiến trúc cảnh quan trong ngôi nhà ống (inner courtyards)

Trong lịch sử phát triển thì mỗi ngôi nhà ống gồm có từ 2 đến 3 sân trong hay còn gọi “tiểu môi trường cảnh quan” với mục đích phục vụ nghỉ ngơi- trồng cây cảnh, bài trí nghệ thuật theo phong cách riêng của chủ nhà. Nơi này thường được kết hợp với các phòng chức năng và khu phụ (bếp, nhà kho và khu vệ sinh), nó sẽ đảm bảo điều kiện sống rất tốt trong điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm- nhiệt đới. Tuy nhiên, ngày nayy hầu hết những chức năng này đã bị chuyển đổi nên gây ra nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay. Và việc khôi phục các không gian này thực sự cần thiết bởi nó sẽ đảm bảo:  i) thông thoáng và lấy ánh sáng tự nhiên; ii) cho hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn và iii) cho sự phát triển và cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do đó, đây sẽ là thành phần chính cho một hệ thống môi trường kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh của phố cổ trong tương lai.

 Không gian kiến trúc cảnh quan phố cổ (outer/ recreational grounds)

Dựa trên số liệu thống kê chưa đầy đủ và sự phân tích giữa bản đồ ghi chép năm 1873 với thời gian gần đây thì môi trường cảnh quan phố cổ giảm đi nhiều (Hình 2). Trong tình hình hiện nay phố cổ chỉ còn lưu giữ được một phần rất nhỏ thảm thực vật xanh như: vườn hoa Vạn xuân (3) (Hàng đậu); Phùng Hưng (4); Cửa Nam (5); nam cầu Long Biên (1) và đặc biệt là không gian kiến trúc cảnh quan hồ quanh Hoàn Kiếm (6). Điều này cho thấy đây là những không gian không thể thiếu trong cấu trúc đô thị của Hà nội nói chung và của phố cổ nói riêng, bởi qua đó thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa hoạt động sống hàng ngày với nhu cầu nghỉ ngơi và vui chơi của cộng đồng. Song vấn đề hiện nay là sự nghèo nàn khu vực xanh này chưa đủ hấp dẫn người sử dụng nên chưa phát huy tối đa khả năng đối với lối sống đô thị hiện đại.

(?) Câu hỏi đặt ra : Liệu có thể phát huy không gian kiến trúc cảnh quan trong phố cổ hay không?

Qua khảo sát, một phần diện tích trong lõi các ô phố hiện chưa được sử dụng đúng mục đích hoặc bỏ hoang. Bên cạnh đó cũng có nhiều các dự án đề xuất cải tạo diện tích này thành nơi phục vụ cho hoạt động công cộng, song điều đó vẫn chưa trở thành hiện thực?. Đây có thể là giải pháp giải quyết các vấn đề về môi sinh và cơ sở hạ tầng ? Đã ai thực sự quan tâm đến giải pháp này trong khi giá trị của đất đai càng trở nên vô giá? Và quy hoạch tổng thể Hà nội đặt ra mục tiêu là quá lớn đến năm 2020?. Do vậy để phát huy tối đa hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan nên chăng cần phải có cơ chế thích hợp hơn nhằm khuyến khích sự tham gia mọi nguồn lực- cộng đồng trong công tác bảo tồn trong thời gian tới.

Cơ chế chính sách trong quản lý môi trường kiến trúc cảnh quan (Institutions)

Do tính chất đặc biệt của phố cổ nằm trong tiến trình phát triển đô thị mà nhà nước đã ban hành các văn bản pháp qui về quản lý và bảo tồn như: 1) QĐ 70 BXD/KT-QH (1995); 2) QĐ số 45/ QĐ-UB (1999); 3) QĐ 1127-BXD/QLN (1994); 4) QĐ 91-CP (1994) và 5) QĐ 48-CP (1997)..v..v. bên cạnh những mặt tích cực của luật pháp là những hạn chế có tác động tiêu cực đến cấu trúc phố cổ và còn bất cập vì vai trò không gian kiến trúc cảnh quan ở đây chưa được chi tiết hoá. Sự thay đổi môi trường pháp qui cũng gây ra không ít khó khăn trong thực hiện quản lý.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức cho công tác này còn nhiều vấn đề phải bàn. Bản thân người dân khó có thể phân biệt là cấp có thẩm quyền quản lý trong khi rất nhiều cơ quan cùng tham gia giải quyết vấn đề trong cộng đồng. Và phương pháp quản lý cũng cần quan tâm hơn bởi thực tế đã chỉ ra rằng những không gian cảnh quan vẫn tiếp tục bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Vậy thì nguyên nhân chính ở đâu? để hiểu rõ hơn về vấn đề này phân tích SWOT sẽ là một công cụ phân tích hiệu quả có thể xác định các điểm mạnh, các điểm yếu, cơ hội và mối đe doạ trong công tác quản lý môi trường kiến trúc cảnh quan phố cổ hiện nay.

Đối mặt với các vấn đề đô thị hoá (urbanisation) thì sự cần thiết bảo tồn phố cổ lại càng cấp bách. PGS.TS. Willi Zimmermann*(AIT, 2001) thốt lên rằng “Nếu không có biện pháp cấp bách thì Hà nội sẽ mất đi cội rễ của chính mình theo thời gian mà qua đó thế giới biết đến các bạn”. Điều đó nói lên không gian truyền thống nói chung, di sản văn hoá- lịch sử- tôn giáo đã và đang bị ảnh hưởng xấu bởi hoạt động kinh tế, phát triển công nghiệp du lịch (tourism industry) và dịch vụ (services). Sự suy thoái môi trường bởi: tiếng ồn, ô nhiễm không khí- nước- chất thải rắn gây mất vệ sinh chung là mối đe doạ lớn đối với sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt, những cư dân thu nhập thấp trong lõi phố cổ. Nguyên nhân chung do: mật độ dân cư tập trung lớn, chiều cao trung bình thấp, mật độ xây dựng dày đặc dẫn đến phần lớn đất đai trong khu vực đều trở thành diện tích sinh sống và buôn bán, công trình kiến trúc xuống cấp trầm trọng đi đôi với cơ sở hạ tầng thấp kém và không gian kiến trúc cảnh quan bị huỷ hoại..v..v. Thậm chí trong rất nhiều ô phố không còn tồn tại lõi xanh nữa.

IV. Phân tích SWOT trong quản lý không gian kiến trúc cảnh quan

Phân tích SWOT là một công cụ cho qui hoạch chiến lược và quản lý. Nó sẽ cung cấp hệ thống khung thể chế để xác định những vấn đề đòi hỏi quy hoạch phát triển dựa trên hướng dẫn cụ thể (guidelines) thông qua việc đánh giá “nội lực” (Internal) “ngoại lực” (External) đối với: 1) hệ thống văn bản pháp qui; 2) thành phầm tham gia quản lý và 3) qui trình quản lý.

Đối với hệ thống văn bản pháp qui

Về cơ bản hệ thống văn bản pháp qui qui định những điều khoản gắn liền với sự phát triển phố cổ cách đây vài năm với khá đầy đủ các khía cạnh nhằm đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý. Tuy nhiên, đối với công tác quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong và ngoài ngôi nhà ống truyền thống thì còn quá chung chung, chưa cụ thể đối với từng loại không gian cần bảo tồn, tôn tạo cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị đích thực của nó. Và hiệu lực của các điều luật qui định cũng chưa đảm bảo cho công tác gìn giữ những giá trị vốn có của các không gian này, chưa kể trong khi thực hiện thì vấn đề sở hữu nhà cửa thuộc nhà nước hay tư nhân vô cùng phức tạp và không rõ ràng.

Các hình thức xử lý khi áp dụng chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế ở khu vực phố cổ- nơi hàng ngày diễn ra rất nhiều hoạt động mà đôi khi vượt quá sự kiểm soát của các nhà quản lý đô thị và chức trách khu vực. Song song với việc ban hành qui định kể trên thì công tác quản lý cũng cần phải có những văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn đối với các nhà quản lý và người thực hiện (cộng đồng), điều nay sẽ làm cho các qui định chuyên ngành dễ dàng tiếp cận với mọi tầng lớp người đang cùng chung sống trong cộng đồng dân cư phố cổ.

Ngoài ra, yếu tố tham gia cộng đồng (community participation) trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan cũng cần phải khuyến khích dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục đích nhằm liên kết tiềm năng của cộng đồng với công tác quản lý nhà nước chính quyền khu vực. Điều này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng- bảo tồn một đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại mà vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống với môi trường kiến trúc cảnh quan đô thị trong tương lai.

Đối với thành phần tham gia quản lý

Sự nỗ lực của các tổ chức quản lý chính trên địa bàn tham gia bảo vệ khung cảnh phố cổ là rất tích cực trong tiến trình phát triển chung của đô thị lớn. Tuy nhiên, mọi hoạt động tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường kiến trúc- cảnh quan phố cổ rất đa dạng, trong khi lực lượng quản lý trực tiếp khía cạnh này quá mỏng, năng lực còn hạn chế, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn khi thực hiện dẫn đến công tác quản lý nhà nước giảm sút. Vấn đề chính đó là vai trò của cộng đồng phố cổ (bao gồm các thành phần trong cộng đồng) chưa thực sự được gắn kết chặt trẽ với hệ thống tổ chức quản lý nói chung. Mà ở đây vai trò này vô cùng quan trọng bởi hầu hết mọi sự biến động trong lòng phố cổ đều bắt nguồn từ nhân tố cộng đồng.

Trong nhiều trường hợp thì mối quan hệ giữa các nhà chức trách, quản lý đô thị với cộng đồng còn nhiều phức tạp và còn khoảng cách nhất định bởi sự khác nhau về quan điểm, mục tiêu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của toàn khu vực.

Đối với quy trình quản lý

Quy trình quản lý sẽ là những công tác cụ thể của nhà quản lý đô thị nhằm giải quyết mọi vấn đề có liên quan tới khía cạnh không gian kiến trúc cảnh quan phố cổ dựa trên cơ sở pháp lý của hệ thống văn bản pháp qui và bộ máy tổ chức thực hiện.

Như đã phân tích, cơ sở trên còn tồn tại nhiều vấn đề kéo theo quy trình quản lý càng trở nên bất cập và khó tránh khỏi những hậu quả khôn lường. Điều này đã được minh chứng qua thời gian khi nhà chức trách có thẩm quyền cấp phép xây dựng cho những nhà đầu tư (tư nhân, NGOs…..) theo đúng qui định nhưng thực tế xây dựng lại khác hẳn với thiết kế được phép… Mặt khác, nhu cầu sinh tồn bức bách các hộ gia đình tiến hành cơi nới, mở rộng diện tích sinh sống trên không gian lưu thông, sân, khu phụ…và đã gây nên xáo trộn lớn, phá vỡ cấu trúc sinh hoạt truyền thống của cộng đồng là hạt nhân phát triển kinh tế- xã hội trong nhiều năm qua.

Cho nên, quy trình này chưa thực sự trợ giúp hiệu quả cho nhà quản lý kiểm soát chặt trẽ mọi vận động của phố cổ theo quy hoạch tổng thể. Bước vào thế kỷ 21 phố cổ bắt đầu trải qua những thử thách, cơ hội và mối đe doạ mới: i)nền kinh tế khu vực phát triển; ii) giá trị đất đai tăng “đột biến”; iii) thủ tục hành chính dần được cải cách (PAR); iv) chiến lược phát triển; v) xu hướng áp dụng mô hình quản lý “phi tập trung” (decentralization) và hệ thống văn bản pháp qui chỉnh sửa- bổ xung…Do đó, đây sẽ là những luồng sinh khí mới trong công tác quản lý không gian kiến trúc cảnh quan hữu hiệu, đảm bảo sự phát triển bền vững của phố cổ.

 V. Mô hình quản lý không gian kiến trúc cảnh quan nhằm nâng cao chất lượng môi trường phố cổ Hà nội.

Để có những chuyển biến tích cực đối với công tác quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong thế kỷ 21 thì những đề xuất mới thực sự là cần thiết về i) chiến lược phát triển; ii) hệ thống pháp qui và; iii) hình thức tổ chức và qui trình quản lý có thể như sau:

1. Thiết lập hệ sơ đồ chiến lược phát triển cho phố cổ Hà nội

2. Điều chỉnh và cụ thể hoá hệ thống văn bản pháp quy  

–         Nâng cao vai trò luật pháp thông qua việc kiểm tra có hệ thống và các bước thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực.

–         Củng cố sự phát triển trong phương pháp quản lý và hệ thống định chế.

–         Hiệu lực pháp luật sẽ tiết kiệm thời gian-chi phí, khuyến khích chỉnh lý cơ cấu, nâng cao tính linh hoạt, trách nhiệm mở cửa và công khai.

–         Đề xuất công cụ thay thế và nâng cao nhận thức hiểu biết luật pháp để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Hệ thống này cần được phân định rõ ràng, đơn giản và cụ thể để có thể trợ giúp cho cơ quan hành pháp và người dân cùng thực thi. Trong công tác bảo vệ môi trường kiến trúc-cảnh quan chung của phố cổ có thể xem xét mô hình giản đơn về hai lĩnh vực a) Hành chính; b) Chuyên môn- kỹ thuật.

a. Lĩnh vực hành chính: với các tiêu chí xác định đơn vị quản lý cụ thể, trách nhiệm rõ ràng như cấp phép xây dựng bảo tồn, tôn tạo…, giám sát, quản lý, kiểm soát bảo vệ môi trường kiến trúc cảnh quan phố cổ. Đặc biệt đi đầu trong công tác tư vấn xây dựng- bảo tồn sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, chi phí cho các nhà đầu tư.

b. Lĩnh vực chuyên môn- kỹ thuật: bao gồm cơ quan chuyên ngành về kiến trúc- quy hoạch (1) và xây dựng (2) với trách nhiệm thiết lập điều lệ quản lý xây dựng và kỹ thuật xây dựng đối với không gian kiến trúc cảnh quan. Đồng thời giám sát và thực hiện công tác tư vấn chuyên môn cho các nhà đầu tư. Điều này sẽ khuyến khích sự tham gia rất lớn của cộng đồng đối với việc tôn tạo và phát huy giá trị môi trường kiến trúc- cảnh quan trong lõi phố cổ giai đoạn sắp tới.

 3. Áp dụng mô hình phi tập trung trong cơ cấu tổ chức quản lý

Dựa trên các đặc điểm mô hình phi tập trung (decentralisation) về cơ cấu tổ chức với mục đích, trách nhiệm đối với các đơn vị tham gia. Do vậy mô hình dưới đây nêu lên những điểm cần lưu ý sau:

4.      Đơn giản hoá quy trình quản lý chiến lược

Theo Montana.J.P & Charnov.H.B (2000) quy trình quản lý chiến lược là quá trình phát triển hệ thống áp dụng để thu được những kết quả định ra bao gồm:

Căn cứ trên hệ sơ đồ chiến lược phát triển thì quy trình quản lý chiến lược cần được đơn giản hoá và thay đổi theo xu hướng mô hình một cửa – một dấu nhằm cải tiến hệ thống cấp phép cải tạo, bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc cảnh quan cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước:

Qua nghiên cứu, hệ thống này sẽ tránh cho quá trình quản lý xây dựng, dự án nói chung những bất cập, khuyến khích người dân tiếp cận dễ dàng đối với hệ thống hành chính công để đảm bảo nhu cầu, lợi ích và sự phát triển của cộng đồng trong khuôn khổ luật pháp nhà nước và nhân dân cùng thiết lập. Muốn thực hiện những vi chỉnh kể trên cần phải có kế hoạch hành động, phân kỳ phù hợp đối với công việc cụ thể theo mức độ ưu tiên theo tình hình hiện tại dưới những áp lực nhu cầu cuộc sống, phát triển kinh tế- xã hội và chính trị.

VI. Kết luận

Để làm rõ và khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, trong mọi chiến lược cần phải có những hướng dẫn cụ thể. Đó là việc đơn giản hoá áp dụng mô hình phi tập trung. Cuối cùng, một kế hoạch thực hiện (action plan) là cần thiết để thực hiện công tác quản lý môi trường không gian kiến trúc cảnh quan thành công, hướng tới sự phát triển bền vững phố cổ và hệ thống quản lý hiệu quả với sự tham gia cộng đồng trong tương lai. Mục tiêu nhằm cải thiện môi trường đô thị trong đó Yếu tố cộng đồng sẽ quyết định cho sự tồn tại hay không tồn tại của phố cổ.

+ Tài liệu tham khảo:

Ngô Minh Hùng, “Improving the Urban living environment throught open-space management” , AIT- Thái Lan, 2001.

January 26, 2013 - Posted by | journal paper, research

Sorry, the comment form is closed at this time.